Luật pháp

Chưa cần đến lý thuyết Objectification hay phân tích diễn giải triết học xa xôi từ phương trời tây tàu nào. Chỉ cần mỗi người ý thức được về quyền của mình, có kiến thức về pháp luật thì người với người sẽ không đối xử với nhau như thể người khác là đồ vật/ công cụ của mình. Không hiểu chương trình học phổ thông gần đây có môn học nào liên quan đến pháp luật không nhỉ?

Bàn về hôn nhân

Hội Đồng Cừu – Kênh Youtube chuyên bàn luận về các vấn đề xã hội thông qua góc nhìn triết học, lịch sử…

“Chế độ phụ hệ đơn thuần là sản phẩm của bạo lực”

“Hôn nhân là ngôi trường đầu tiên dạy trẻ về bình quyền. Trong một cuộc hôn nhân mà người phụ nữ bị xem là hàng hóa, bị xem là lệ thuộc vào đàn ông, bị xem là đương nhiên bị thống trị bởi đàn ông, nơi mà các trẻ em trai được dạy là chúng có đặc quyền không cần lý do, thì những đứa trẻ này kể cả nam lẫn nữ sẽ lớn lên và nhận thấy rằng bất bình đẳng là bình thường – bao gồm mọi loại bất bình đẳng chứ không chỉ là bất bình đẳng giới…”

“Chế độ một vợ một chồng monogamy thật ra không liên quan đến tình yêu mà được xây dựng dựa trên tư hữu tài sản. Chế độ này cho phép người đàn ông kiểm soát hoàn toàn người phụ nữ… Monogamy là công cụ để tích lũy và tập trung tư bản.”

“Những mối quan hệ mà chỉ để quan hệ tình dục không đi kèm với tình yêu lứa đôi thực sự thì cả đàn ông lẫn đàn bà đều xem nhau như đồ vật… Ham muốn của một người dành cho một người khác mà chỉ gói gọn trong vấn đề tình dục thôi thì sự mong muốn họ dành cho nhau không phải giữa tư cách người với người – giữa những thực thể có tư tuy, tình cảm. Thứ họ quan tâm đến nhau chỉ là giới tính của nhau thì cách tiếp cận này sẽ vật hóa tình yêu…”

Về quê

Thuật lại từ lời kể của một bạn gái 12 tuổi sau khi về quê:
“Về quê ăn giỗ cả hội trẻ con bị bắt làm việc các kiểu, quét nhà, dọn bát đĩa, bê nước… lúc nào nhiều việc quá thì có mấy bà mấy cô làm cùng, còn các ông các bác đàn ông thì chả làm gì, cứ đến ăn liên tục với ngồi nói chuyện với nhau kệ bọn con làm, lại còn ngồi nhìn xong bình phẩm bọn con đứa này thế này đứa kia thế nọ. Xong có bác Y cứ cố tình sai con nhiều việc hơn đứa khác, có lúc con làm theo, lúc thì con kệ, đến khi con khó chịu quá thì vợ bác mới bảo Thôi kệ nó đi…”

Ảnh: internet

Hồ Xuân hương

Một bài viết làm tôi nhớ đến những bức ảnh khỏa thân mà nhìn vào đó tôi không thấy gì khác ngoài cái nhìn thèm thuồng của những người đàn ông chụp ra các bức ảnh đó.

“Tính nữ trong thơ Hồ Xuân Hương là một nỗ lực tìm kiếm khả năng tự lên tiếng, tự quyết định dục tính và cách biểu đạt dục tính. Gõ cụm từ “minh họa Hồ Xuân Hương” vào thanh tìm kiếm, chúng ta nhận lại một loạt tranh khỏa thân rất đa dạng về cả phong cách lẫn chất lượng. Điểm chung của nhiều tác phẩm minh họa Hồ Xuân Hương hiện nay là đã biến người phụ nữ có tiếng nói thành những cơ thể bị lột trần để thỏa mãn cơn thèm nhìn của nam giới.

Triển lãm tranh “Hồ Xuân Hương” của đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan và họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng bị đóng cửa vì ý kiến trái chiều từ dư luận. Ở đây không cần bàn thêm về chất lượng của những tác phẩm này, cũng không bàn về “phù hợp” hay “thuần phong mỹ tục” vì chúng là những ý kiến mơ hồ. Những tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng bộc lộ ít nhất hai vấn đề trong việc minh họa/vẽ về Hồ Xuân Hương:

1. Một lối mòn về biểu đạt;

2. Một tia nhìn thèm thuồng của nam giới làm đảo ngược tính chủ động của tính nữ trong thơ Hồ Xuân Hương.

1. Khi nghĩ về một người phụ nữ khai phóng và tự chủ về chính cơ thể của cô ấy, bạn hình dung ngoại hình của cô ấy trông như thế nào?

Hễ vẽ về Hồ Xuân Hương thì y như rằng người ta (mà đa số là nam giới) sẽ sử dụng chung một công thức: ngực to, yếm trễ xuống, dáng người ưỡn ẹo, mặt đờ đẫn gợi tình. Không có gì sai hay đúng ở khuôn mẫu này, vấn đề là, liệu một người phụ nữ khai phóng tính dục thì nhất định phải trễ tràng và ưỡn ẹo? Liệu một người phụ nữ khai phóng tính dục có thể mặc áo dài, com lê, đồ bảo hộ lao động, áo công nhân hay bất cứ trang phục nào khác? Cách minh họa này bộc lộ một lối mòn là hễ phụ nữ khai phóng tính dục thì cô ta nhất định phải trễ tràng, không thể nào khác được. Đây là một kiểu slut-shaming, nhìn sự đa dạng bằng đôi mắt rập khuôn định kiến. Thực chất, một người nữ khai phóng có thể mặc lựa chọn bất cách xuất hiện nào mà cô ấy muốn. Khi quy giản vào một hình tượng chung, những họa sĩ như thế này đi theo một lối mòn không chỉ về biểu đạt mà còn cả trong cách họ tư duy về phụ nữ. Cái thứ nhất có liên hệ với cái thứ hai.

2. Nhân vật nữ trong thơ Hồ Xuân Hương có tiếng nói, có sự chủ động, quyết định khi nào bộc lộ cơ thể của cô và cho mục đích gì. Minh họa Hồ Xuân Hương trong những bức tranh kiểu này không gì hơn là phơi bày cơ thể phụ nữ ra cho thỏa cơn thèm nhìn của nam giới. Nhân vật trong tranh là người phụ nữ không còn câu chuyện, cô chỉ còn là một cơ thể với những đường cong và làn da mỹ miều mà nam họa sỹ ao ước. Tiếng nói của cô tắt nhẹm, cô không còn là gì hơn một vẻ đẹp sinh ra từ cơn khoái chí của người tạo tác. Cô không còn làm chủ cơ thể và câu chuyện của cô, cô phải hiện ra theo đúng cách mà nam giới muốn nhìn.

Một tác phẩm nghệ thuật dù dở tệ cũng có quyền được tồn tại, nếu sự tự do sáng tạo vẫn còn được cân nhắc trong câu chuyện đang bàn. Cảm giác thất vọng toát ra từ những bức tranh thuộc dạng này có thể được bù đắp bằng những dự án nhiều ý tứ hơn, và di sản thơ của Hồ Xuân Hương chắc chắn có thể gợi nên nhiều suy tư hơn là quẩn quanh ở những bầu ngực bị phơi trần.”

Nguồn: Trương Trần Trung Hiếu

Objectification – Vật Hóa

Trong lúc tìm hiểu về đề tài vật hóa phụ nữ thì lại ra nội dung về vật hóa nam giới:

“Cũng giống phụ nữ, cơ thể của nam giới được kỳ vọng để sử dụng vào việc sinh sản và duy trì nòi giống. Ở các xã hội có nguồn gốc Khổng giáo, với giá trị về sự tôn thờ thế hệ có vai trò tối thượng, có một áp lực không hề nhỏ đối với nam giới trong việc duy trì dòng dõi bằng cách sinh con trai. Dưới quan điểm thông thường, chúng ta có thể cho rằng đây là một sự “trọng nam khinh nữ”, nhưng dưới góc nhìn dựa trên sự vật hóa nam giới, chúng ta có thể thấy rằng không gì được xem trọng ở đây. Thân thể nam giới, bên cạnh là một phần của cỗ máy chiến tranh và kinh tế, thì cũng là một phần của guồng máy xác thịt để cung cấp nguyên liệu cho hai nguồn máy kia. Người đàn ông chỉ là một mắt xích trong một dòng dõi được kỳ vọng là kéo dài đến vô tận, để duy trì vô tận cỗ máy bạo lực chính trị và sản xuất kinh tế.

Dựa trên sự thấu hiểu này về nam tính, hay sự khủng hoảng của nó, chúng ta có thể hiểu tại sao phần lớn điều được định nghĩa là “nam tính độc hại” lại liên quan đến sự xa lạ hóa về cảm xúc, sự theo đuổi bạo lực, sự thèm khát quyền lực, của cải cũng như sự ám ảnh đối với tình dục của nam giới. Và đã quá thường xuyên, nạn nhân của những đặc điểm nam tính độc hại này là phụ nữ. Phụ nữ bị đối xử bạo lực, vật hóa, tình dục hóa vì có khả năng áp dụng bạo lực, sở hữu và áp đặt tình dục được xem là những dấu mốc cho nam tính. Những chịu đựng mà phụ nữ gặp phải, chính là sự hiện thực hóa của sự vật hóa nam giới trong xã hội của chúng ta.”

spiderum.com

Trong lần trao đổi với nghệ sỹ Chinh Ba về phần trình diễn tôi dự định thực hành tại chợ phiên cuối tuần của địa phương, anh có phân tích cho tôi các vấn đề tôi có thể gặp phải khi thực hiện, và có nhắc đến một từ làm tôi tò mò – Objectification/ Vật hóa . Cuối buổi nói chuyện, tôi đã tạm hoãn lại kế hoạch của mình vì thấy có nhiều khía cạnh tôi chưa lường hết, đồng thời tôi cũng search thêm về objectification để tìm hiểu thêm. Và đây là kết quả hiện ra trên wikipedia:

Theo triết gia Martha Nussbaum, một người thường bị vật hóa nếu họ có một hay nhiều hơn các đặc tính sau:
. Tính công cụ – người bị đối xử như một công cụ vì nhiều mục đích
. Tính từ chối quyền tự trị – người thiếu tự do ý chí hay thiếu khả năng tự quyết
. Tính trì trệ – người thiếu khả năng can thiệp hay tích cực hành động
. Tính có thể trao đổi – người bị đối xử như một đồ vật có thể trao đổi
. Tính có thể xâm phạm – người dễ bị xâm phạm hay “cho phép người khác hủy hoại, đánh đập, xâm nhập.”
. Tính sở hữu – đối xử với người như thể họ có thể mua, bán, sở hữu được
. Tính từ chối chủ quan – đối xử với người mà không cần quan tâm tới cảm xúc hay cảm nhận của họ
Rae Helen Langton, trong Sexual Solipsism: Philosophical Essays on Pornography and Objectification, đề xuất thêm ba đặc tính vào danh sách của Nussbaum
. Giản hóa về thân thể – đối xử với người khác vì cơ thể hay bộ phận cơ thể của họ
. Giản hóa về ngoại hình – đối xử với người khác cơ bản vì ngoại hình của họ, hay cảm giác về họ
. Im lặng – đối xử với người khác như thể họ không nói gì hay không có khả năng nói.

Những gạch đầu dòng này làm tôi liên hệ lập tức đến những trải nghiệm của cá nhân và quan sát của tôi trong các mối quan hệ xung quanh. Và tôi đã quyết định lựa chọn đề tài này làm dự án cá nhân trong một khóa học kéo dài 2 năm với hơn 20 nghệ sỹ quốc tế khác…