Một bài viết làm tôi nhớ đến những bức ảnh khỏa thân mà nhìn vào đó tôi không thấy gì khác ngoài cái nhìn thèm thuồng của những người đàn ông chụp ra các bức ảnh đó.
“Tính nữ trong thơ Hồ Xuân Hương là một nỗ lực tìm kiếm khả năng tự lên tiếng, tự quyết định dục tính và cách biểu đạt dục tính. Gõ cụm từ “minh họa Hồ Xuân Hương” vào thanh tìm kiếm, chúng ta nhận lại một loạt tranh khỏa thân rất đa dạng về cả phong cách lẫn chất lượng. Điểm chung của nhiều tác phẩm minh họa Hồ Xuân Hương hiện nay là đã biến người phụ nữ có tiếng nói thành những cơ thể bị lột trần để thỏa mãn cơn thèm nhìn của nam giới.
Triển lãm tranh “Hồ Xuân Hương” của đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan và họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng bị đóng cửa vì ý kiến trái chiều từ dư luận. Ở đây không cần bàn thêm về chất lượng của những tác phẩm này, cũng không bàn về “phù hợp” hay “thuần phong mỹ tục” vì chúng là những ý kiến mơ hồ. Những tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng bộc lộ ít nhất hai vấn đề trong việc minh họa/vẽ về Hồ Xuân Hương:
1. Một lối mòn về biểu đạt;
2. Một tia nhìn thèm thuồng của nam giới làm đảo ngược tính chủ động của tính nữ trong thơ Hồ Xuân Hương.



1. Khi nghĩ về một người phụ nữ khai phóng và tự chủ về chính cơ thể của cô ấy, bạn hình dung ngoại hình của cô ấy trông như thế nào?
Hễ vẽ về Hồ Xuân Hương thì y như rằng người ta (mà đa số là nam giới) sẽ sử dụng chung một công thức: ngực to, yếm trễ xuống, dáng người ưỡn ẹo, mặt đờ đẫn gợi tình. Không có gì sai hay đúng ở khuôn mẫu này, vấn đề là, liệu một người phụ nữ khai phóng tính dục thì nhất định phải trễ tràng và ưỡn ẹo? Liệu một người phụ nữ khai phóng tính dục có thể mặc áo dài, com lê, đồ bảo hộ lao động, áo công nhân hay bất cứ trang phục nào khác? Cách minh họa này bộc lộ một lối mòn là hễ phụ nữ khai phóng tính dục thì cô ta nhất định phải trễ tràng, không thể nào khác được. Đây là một kiểu slut-shaming, nhìn sự đa dạng bằng đôi mắt rập khuôn định kiến. Thực chất, một người nữ khai phóng có thể mặc lựa chọn bất cách xuất hiện nào mà cô ấy muốn. Khi quy giản vào một hình tượng chung, những họa sĩ như thế này đi theo một lối mòn không chỉ về biểu đạt mà còn cả trong cách họ tư duy về phụ nữ. Cái thứ nhất có liên hệ với cái thứ hai.
2. Nhân vật nữ trong thơ Hồ Xuân Hương có tiếng nói, có sự chủ động, quyết định khi nào bộc lộ cơ thể của cô và cho mục đích gì. Minh họa Hồ Xuân Hương trong những bức tranh kiểu này không gì hơn là phơi bày cơ thể phụ nữ ra cho thỏa cơn thèm nhìn của nam giới. Nhân vật trong tranh là người phụ nữ không còn câu chuyện, cô chỉ còn là một cơ thể với những đường cong và làn da mỹ miều mà nam họa sỹ ao ước. Tiếng nói của cô tắt nhẹm, cô không còn là gì hơn một vẻ đẹp sinh ra từ cơn khoái chí của người tạo tác. Cô không còn làm chủ cơ thể và câu chuyện của cô, cô phải hiện ra theo đúng cách mà nam giới muốn nhìn.
Một tác phẩm nghệ thuật dù dở tệ cũng có quyền được tồn tại, nếu sự tự do sáng tạo vẫn còn được cân nhắc trong câu chuyện đang bàn. Cảm giác thất vọng toát ra từ những bức tranh thuộc dạng này có thể được bù đắp bằng những dự án nhiều ý tứ hơn, và di sản thơ của Hồ Xuân Hương chắc chắn có thể gợi nên nhiều suy tư hơn là quẩn quanh ở những bầu ngực bị phơi trần.”
Nguồn: Trương Trần Trung Hiếu