Ngũ Hành Sơn

Buổi 2 của chương trình Điền dã và thực hành làm thác bản được tổ chức tại Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng. Một thông tin ít ai biết: Ngũ Hành Sơn có thể xem là nơi tập hợp số lượng bi ký lớn nhất nhì Việt Nam từ các danh gia, nhà chính trị, truyền giáo, các nghiệp hội, văn nhân, thi sĩ có tiếng trong khu vực trong khoảng thế kỷ XVII đến giữa Thế kỷ XX. Hiện Ngũ hành Sơn đang được hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Chương trình được thực hiện tại động Huyền Không – Ngũ Hành Sơn

Ảnh trái: Bi ký “Phổ Đà sơn linh trung Phật”
Bi ký có một thông tin quan trọng ghi nhận lại sự hình thành của các làng xã cổ ở Hội An.
Ảnh phải: Diễn giả Ngô Đức Chí giới thiệu thác bản của anh thực hiện cách đây gần 10 năm cho bi ký “Phổ Đà sơn linh trung Phật”, thác bản hiện đã tặng lại cho Bảo tàng Hội An.

Bi ký của Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại – thi sĩ, quan nhân nổi tiếng trong thời Nguyễn – được ghi nhận là bài ca trù duy nhất được tìm thấy ở Đàng Trong được khắc trên đá.

Bi ký về một bài thơ chữ Hán của Hà Đình Nguyễn Thuật – danh sỹ triều Nguyễn – Ông là người đã có đóng góp rất lớn cho giáo dục địa phương.

Thác bản

Chia sẻ của diễn giả Ngô Đức Chí về chương trình Điền dã và thực hành làm thác bản – thực hiện bởi CAB Read, bạn Hương phụ trách sản xuất:

“Thác bản là một kỹ thuật sao rập minh văn có lịch sử lâu đời và được sử dụng phổ biến ở các nước đồng văn (Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên). Ngoài mục đích lưu trữ nội dung trên minh văn sang một chất liệu khác, đó là giấy, nó còn có một số ứng dụng trong các lĩnh vực như: thư họa – lấy văn tự và hoa văn để lâm mô (một dạng sao chép), hay các ứng dụng trong mỹ thuật đương đại…

Ở Việt Nam, công việc này được người Pháp quan tâm và thực hiện khá sớm, mà kết quả của nó là ấn phẩm đồ sộ “Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm”, công việc này sau này được nhiều tổ chức và cá nhân tiếp tục thực hiện cho đến ngày nay. Thực tế chúng tôi biết rằng, trên thực địa nhiều bi ký đã mất, hoặc xuống cấp không thể hoặc gây nhiều khó khăn cho việc tiếp cận nội dung, mà lý do chính đa phần là do các cá nhân và tổ chức sở hữu văn khắc không ý thức được giá trị cũng như ý nghĩa của công việc bảo tồn. Và thực tế này vẫn còn tiếp diễn trong tương lai… Đó cũng là lý do chính thôi thúc chúng tôi thực hiện chuyên đề về Thác bản, với mong muốn mang đến cho độc giả cái nhìn tổng quát nhất về loại hình văn vật đặc biệt này, và các kỹ thuật cơ bản của việc rập văn bia.”

Diễn giả Ngô Đức Chí hướng dẫn thực hành làm Thác bản và biểu thị các điểm cơ bản như sắc độ, tương phản, cách kiểm soát mực…

Thác bản đầu tiên với sự thực hành chung của các học viên, và sản phẩm cuối cùng không phải là mục đích chính của buổi thực hành.

Khảo sát mộ cổ

Một chuyến khảo sát Mộ cổ ở Hội An của team CAB Read để chuẩn bị cho chương trình NÔM NÀ – Tìm hiểu văn học Hán Nôm qua các di tích cổ.
“Thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu về loại hình di tích mộ cổ, diễn giả Ngô Đức Chí sẽ mang tới cho người tham dự các góc nhìn đa chiều hơn về một loại hình di tích: rằng, sự khác nhau của các loại hình mộ táng trong lịch sử là như thế nào? Quan niệm của người xưa về nơi an nghỉ ra sao? Có hay không thẩm mỹ trong loại hình di tích này? Các loại hình vật liệu, kiến trúc, phương thức biểu đạt trên các ngôi mộ cổ, hay đơn giản là cách người xưa lập bia mộ ra sao… qua chương trình này, người tham dự cũng sẽ có được cơ hội khám phá vùng đất hữu tình mà trước đây được xem như bìa rừng của Hội An…”