Trong lúc tìm hiểu về đề tài vật hóa phụ nữ thì lại ra nội dung về vật hóa nam giới:
“Cũng giống phụ nữ, cơ thể của nam giới được kỳ vọng để sử dụng vào việc sinh sản và duy trì nòi giống. Ở các xã hội có nguồn gốc Khổng giáo, với giá trị về sự tôn thờ thế hệ có vai trò tối thượng, có một áp lực không hề nhỏ đối với nam giới trong việc duy trì dòng dõi bằng cách sinh con trai. Dưới quan điểm thông thường, chúng ta có thể cho rằng đây là một sự “trọng nam khinh nữ”, nhưng dưới góc nhìn dựa trên sự vật hóa nam giới, chúng ta có thể thấy rằng không gì được xem trọng ở đây. Thân thể nam giới, bên cạnh là một phần của cỗ máy chiến tranh và kinh tế, thì cũng là một phần của guồng máy xác thịt để cung cấp nguyên liệu cho hai nguồn máy kia. Người đàn ông chỉ là một mắt xích trong một dòng dõi được kỳ vọng là kéo dài đến vô tận, để duy trì vô tận cỗ máy bạo lực chính trị và sản xuất kinh tế.
…
Dựa trên sự thấu hiểu này về nam tính, hay sự khủng hoảng của nó, chúng ta có thể hiểu tại sao phần lớn điều được định nghĩa là “nam tính độc hại” lại liên quan đến sự xa lạ hóa về cảm xúc, sự theo đuổi bạo lực, sự thèm khát quyền lực, của cải cũng như sự ám ảnh đối với tình dục của nam giới. Và đã quá thường xuyên, nạn nhân của những đặc điểm nam tính độc hại này là phụ nữ. Phụ nữ bị đối xử bạo lực, vật hóa, tình dục hóa vì có khả năng áp dụng bạo lực, sở hữu và áp đặt tình dục được xem là những dấu mốc cho nam tính. Những chịu đựng mà phụ nữ gặp phải, chính là sự hiện thực hóa của sự vật hóa nam giới trong xã hội của chúng ta.”
spiderum.com
Trong lần trao đổi với nghệ sỹ Chinh Ba về phần trình diễn tôi dự định thực hành tại chợ phiên cuối tuần của địa phương, anh có phân tích cho tôi các vấn đề tôi có thể gặp phải khi thực hiện, và có nhắc đến một từ làm tôi tò mò – Objectification/ Vật hóa . Cuối buổi nói chuyện, tôi đã tạm hoãn lại kế hoạch của mình vì thấy có nhiều khía cạnh tôi chưa lường hết, đồng thời tôi cũng search thêm về objectification để tìm hiểu thêm. Và đây là kết quả hiện ra trên wikipedia:
“Theo triết gia Martha Nussbaum, một người thường bị vật hóa nếu họ có một hay nhiều hơn các đặc tính sau:
. Tính công cụ – người bị đối xử như một công cụ vì nhiều mục đích
. Tính từ chối quyền tự trị – người thiếu tự do ý chí hay thiếu khả năng tự quyết
. Tính trì trệ – người thiếu khả năng can thiệp hay tích cực hành động
. Tính có thể trao đổi – người bị đối xử như một đồ vật có thể trao đổi
. Tính có thể xâm phạm – người dễ bị xâm phạm hay “cho phép người khác hủy hoại, đánh đập, xâm nhập.”
. Tính sở hữu – đối xử với người như thể họ có thể mua, bán, sở hữu được
. Tính từ chối chủ quan – đối xử với người mà không cần quan tâm tới cảm xúc hay cảm nhận của họ
Rae Helen Langton, trong Sexual Solipsism: Philosophical Essays on Pornography and Objectification, đề xuất thêm ba đặc tính vào danh sách của Nussbaum
. Giản hóa về thân thể – đối xử với người khác vì cơ thể hay bộ phận cơ thể của họ
. Giản hóa về ngoại hình – đối xử với người khác cơ bản vì ngoại hình của họ, hay cảm giác về họ
. Im lặng – đối xử với người khác như thể họ không nói gì hay không có khả năng nói.“
Những gạch đầu dòng này làm tôi liên hệ lập tức đến những trải nghiệm của cá nhân và quan sát của tôi trong các mối quan hệ xung quanh. Và tôi đã quyết định lựa chọn đề tài này làm dự án cá nhân trong một khóa học kéo dài 2 năm với hơn 20 nghệ sỹ quốc tế khác…